Mẹo dùng tủ lạnh bền, tiết kiệm điện không phải ai cũng biết
Rút phích tủ lạnh thường xuyên, đựng thực phẩm bằng hộp nhựa hay để đồ ăn quá sát nhau đều là những thói quen sai lầm thường gặp.
Tủ lạnh ngày nay đã trở thành món đồ không thể thiếu trong hầu hết các gia đình, đặc biệt là trong những ngày hè. Tuy không tiêu tốn điện bằng điều hòa, nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, tủ lạnh cũng sẽ vừa gây lãng phí điện vừa nhanh hỏng hóc, tốn kém chi phí sửa chữa.
Không ít người dùng vẫn thường xuyên mắc sai lầm trong việc sử dụng tủ lạnh dẫn đến tốn điện và nhanh hỏng hóc
Đề cập đến vấn đề này, anh Phạm Thế Dự, giảng viên khoa Nhiệt lạnh trường Cao đẳng Điện tử – Điện lạnh Hà Nội đã đưa ra những lưu ý cơ bản về cách sử dụng tủ lạnh thông thường (còn gọi là tủ lạnh gián tiếp – loại tủ lạnh có quạt gió bên trong) sao cho tiết kiệm điện và hạn chế hỏng hóc.
Hạn chế rút phích điện nguồn, bật/tắt tủ lạnh
Hầu hết các loại tủ lạnh đều có cơ chế tự ngắt khi đạt nhiệt độ yêu cầu của nguời sử dụng. Khi bắt đầu khởi động, hệ thống làm lạnh sẽ hoạt động đến khi nhiệt độ bên trong tủ giảm đến một mức nhiệt đã được cài đặt sử dụng. Trong suốt quá trình này, chúng ta thường nghe thấy ở tủ có tiếng kêu ì ì to hơn bình thường. Đây cũng là khoảng thời gian tủ lạnh tiêu tốn điện nhiều nhất.
Sau đó, khi hệ thống này ngắt, tủ sẽ giữ nhiệt độ ổn định và chạy êm hơn, không còn âm thanh đó nữa. Giai đoạn này tủ tiêu hao rất ít điện năng.
Sau một thời gian, khi nhiệt độ bên trong tăng lên, chu trình này lại lặp lại để đưa không khí trong tủ về nhiệt độ thích hợp.
Như vậy, việc đóng/ngắt nguồn điện vào tủ lạnh là không cần thiết. Việc này còn dễ khiến đồ ăn trong tủ không được đảm bảo độ tươi ngon do nhiệt độ trong tủ tăng giảm thất thường.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ và tốc độ quạt gió
Bên trong khoang tủ lạnh thường có 2 bộ phận người dùng có thể tùy ý điều chỉnh: nút điều chỉnh phân phối gió và nút điều chỉnh, cài đặt nhiệt độ tủ.
Nút điều chỉnh nhiệt độ thường được chia vạch, đánh số hay biểu thị bằng kích thuớc vạch màu xanh (theo chiều kim đồng hồ thì nhiệt độ cài đặt cho khoang tủ sẽ giảm dần). Tủ lạnh khi làm việc thì khoang lạnh đông (ngăn đá) có thể đạt -21 độ C nếu đặt nút điều chỉnh nhiệt độ ở vị trí max và ngăn bảo quản có thể đạt nhiệt độ là 0 độ C.
Tuy nhiên, nếu cài đặt nhiệt độ cho tủ thấp hơn mức cần thiết thì thời gian làm việc của máy nén lâu hơn, do đó điện năng tiêu hao cũng sẽ rất lãng phí.
Bởi vậy, cũng tùy theo lượng thực phẩm và lượng đá nhiều hay ít mà người dùng có thể lựa chọn mức nhiệt hợp lý nhất. Để giữ độ bền cho tủ và tiết kiệm điện, các nhà sản xuất thường khuyến cáo lượng đá làm mới mỗi lượt không nên vượt quá 1kg.
Nên tùy theo lượng thực phẩm trong tủ để điều chỉnh nhiệt độ cũng như tốc độ quạt gió |
Với nút điều chỉnh tốc độ quạt gió ở ngăn mát, nếu khoang tủ để nhiều thức ăn thì người dùng nên tăng tốc quạt gió và ngược lại. Nhiều trường hợp để quạt quá to trong khi tủ chứa lượng thực phẩm quá ít dẫn đến hiện tượng đông đá ở ngay ngăn mát, vừa ảnh hưởng đến chất lượng đồ ăn vừa gây tốn điện.
Lưu ý khi mất điện lưới
Khi mất điện lưới đột ngột, nếu vào giai đoạn hệ thống làm mát đang hoạt động để làm lạnh khoang tủ (có tiếng kêu ì ì khá to) thì lượng gas bên trong đang tuần hoàn qua giàn lạnh sẽ bị gián đoạn hoạt động.
Nếu sau đó ít phút lại có điện ngay, tủ khởi động sẽ khó khăn do hệ thống chưa cân bằng áp suất, có thể dẫn đến máy nén không khởi động được. Nếu hệ thống rơ-le bảo vệ không tốt thì sẽ có nguy cơ cao về hỏng hóc máy nén.
Để tránh tình trạng này, người dùng có thể ngắt hẳn nguồn điện tủ lạnh ngay khi mất điện lưới, và căn khoảng 10 phút sau mới đóng lại cho đảm bảo, hoặc trang bị thêm cho tủ bộ trễ điện.
Trường hợp mất điện khi tủ đang ở trạng thái giữ độ mát ổn định thì sẽ an toàn hơn. Bởi nếu nguồn điện được đóng lại ngay thì tủ cũng vẫn đủ lạnh và giữ trạng thái tự ngắt, không hoạt động ngay.
Không cắm điện ngay sau khi di chuyển tủ
Khi di chuyển tủ lạnh, nếu có thể thì người dùng nên để tủ ở tư thế dựng đứng giống như khi kê tủ cố định để tránh những sự cố xảy ra |
Trong quá trình di chuyển, máy nén (block) và các thiết bị nhiệt động của tủ cũng bị rung lắc, dầu từ máy nén có thể di chuyển đến các thiết bị của hệ thống. Nếu cho tủ làm việc ngay thì có thể dẫn tới thiếu dầu tại máy nén nên cần để tủ lạnh “nghỉ” ít nhất 30 phút sau đó cho các bộ phận này ổn định trở lại rồi mới đóng điện cho tủ chạy.
Ngoài ra, người dùng cũng nên ghi nhớ một số nguyên tắc quen thuộc khác:
– Không để ngay đồ nóng vào tủ để tránh tình trạng tủ phải tiêu thụ một lượng điện lớn để cân bằng lại độ lạnh cần thiết trong tủ.
– Các thực phẩm đặt vào tủ lạnh không nên để quá sát nhau, nên có khoảng cách thông thoáng để không khí lạnh dẽ tuần hoàn, làm lạnh đều mọi thứ, dẫn đến ít tiêu tốn điện năng hơn.
Đồ ăn trong tủ không nên đặt quá sát nhau. |
– Sử dụng các vật dụng đựng thực phẩm bằng kim loại thay vì bằng nhựa. Vì kim loại có khả năng dẫn nhiệt tốt, thực phẩm sẽ được làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện hơn.
– Khi lượng thực phẩm trong ngăn mát quá ít, có thể lấy bớt đá ở ngăn lạnh chuyển xuống ngăn mát để hạn chế sự hoạt động của bộ phận làm lạnh, giúp tiết kiệm điện tốt hơn.
– Đặt tủ lạnh sao cho khoảng cách giữa vỏ tủ với các vật hoặc tuờng ít nhất là 15cm để không khí tuần hoàn, tiếp xúc với vỏ tủ tốt đảm bảo thải nhiệt cho tủ lạnh nhiều nhất.
– Vệ sinh thưòng xuyên bên trong và ngoài tủ để đảm bảo quá trình trao đổi nhiệt tốt sẽ tiết kiệm được điện năng sử dụng.
NẾU BẠN KHÔNG TỰ LÀM ĐƯỢC, HÃY ĐỂ CHÚNG TÔI ĐƯỢC PHỤC VỤ: 0945.888.195